Cải thiện tối đa chính sách thu hút dòng vốn FDI

PLTT - Thời gian gần đây, nhiều địa phương trên cả nước đã thẳng tay thu hồi hoặc từ chối các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) không đảm bảo tiến độ, có khả năng gây ô nhiễm môi trường.


Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh, tháng 5/2021, ngoài việc cấp mới cho 14 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 61,1 triệu USD và điều chỉnh vốn cho 7 dự án, với tổng vốn tăng thêm 5,77 triệu USD thì địa phương cũng thu hồi 9 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 73,46 triệu USD. Như vậy, lũy kế 5 tháng đầu năm, tỉnh Bắc Ninh đã thu hồi 20 dự án FDI với tổng vốn là 208,35 triệu USD.

Rõ ràng, 20 dự án với số vốn đăng ký lên tới 208,35 triệu USD là số vốn không hề nhỏ. Điều đó cho thấy, địa phương này đã cương quyết hơn trong thu hút các dự án FDI.

Trước đó, ông Lê Duy Thành – Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng cho biết: Địa phương đã “từ chối” nhiều dự án FDI do không đáp ứng được các tiêu chí về thu hút đầu tư của địa phương. Theo đó, những dự án có công nghệ lạc hậu, có khả năng gây ô nhiễm môi trường hoặc các dự án đầu tư nhằm tận dụng đất đai, tận dụng lao động giá rẻ sẽ không được chào đón tại địa phương này.

Trên thực tế, năm 2018 tỉnh Vĩnh Phúc đã từ chối 1 dự án FDI trong lĩnh vực dệt – nhuộm của nhà đầu tư Hồng Kông (Trung Quốc) với tổng vốn đầu tư 350 triệu USD do lo ngại dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, gây nguy cơ ô nhiễm môi trường cao tại địa phương. Rõ ràng, thu hút FDI là chủ trương của nhiều địa phương trên cả nước, nhưng không phải dự án FDI nào muốn được đầu tư tại địa phương cũng được “chào đón”.

Theo các chuyên gia kinh tế, hiện Việt Nam đang được đánh giá là điểm đến hàng đầu với các nhà đầu tư, kinh doanh quốc tế và thực sự, đang có làn sóng dịch chuyển các chuỗi cung ứng sang Việt Nam. Trong đó, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – cho rằng: Sự ổn định về chính trị, khả năng kiềm chế dịch bệnh, khả năng chống chịu cao của nền kinh tế và nhất là cơ hội mở cửa thị trường thông qua việc triển khai các Hiệp định thương mại tự do, như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đang tạo sức hấp dẫn cho Việt Nam với nhà đầu tư ngoại.

Rõ ràng, cơ hội thu hút FDI của Việt Nam đang rất lớn, song để thu hút được những dự án FDI có chất lượng thì cần phải có các chính sách chất lượng. Trong đó, bên cạnh việc tích cực tham gia các FTA để mở rộng thị trường, đưa ra những chính sách cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thì vấn đề hạ tầng, quy hoạch phải thực sự ổn định, tạo sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các nhà đầu tư lớn.

Liên quan đến vấn đề quy hoạch khu công nghiệp, ông Lê Thanh Vân – Đại biểu quốc hội khóa XIII,XIV - cho rằng, mô hình khu công nghiệp của Việt Nam hiện nay đã lạc hậu so với trình độ phát triển của thế giới và khu vực. Việt Nam đã tham gia sâu vào các chuỗi giá trị, quy mô khu công nghiệp từ vài trăm ha không còn thích ứng nữa, nhất là khi các quốc gia khác đã có khu công nghiệp quy mô lên đến 20.000-30.000 ha. Do vậy, nếu không có mô hình khu công nghiệp mới, chúng ta khó có thể tận dụng được làn sóng chuyển dịch đầu tư, khó có thể tạo lập không gian hấp dẫn để thu hút được những dự án FDI có chất lượng.

Trên thực tế, để thu hút dòng vốn FDI có chất lượng, năm 2019 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 50/NQ-TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Trong đó, ngoài chỉ ra tồn tại, hạn chế của khu vực FDI, Nghị quyết cũng đưa ra những giải pháp để thu hút dòng vốn FDI có chất lượng, trong đó hoàn thiện thể chế, hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư là nội dung được Bộ Chính trị quan tâm.

Thiên Long

Đăng nhận xét

0 Nhận xét