Tăng chi phí định mức để tính giá cơ sở xăng dầu từ 11/11

PLTT  - Mới đây, Bộ Tài chính đã có công văn gửi Bộ Công Thương về việc điều chỉnh chi phí định mức để tính giá cơ sở xăng dầu, thời gian dự kiến áp dụng là từ kỳ công bố giá cơ sở xăng dầu ngày 11/11.


Theo Bộ Tài chính, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1039/CĐ-TTg ngày 02/11/2022 về quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu; ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại Thông báo số 341/TBVPCP ngày 30/10/2022 và công văn số 7527/VPCP-KTTH ngày 08/11/2022. Trên cơ sở kiến nghị của Bộ Công Thương tại công văn số 6436/BCTTTTN ngày 18/10/2022, kết quả tổng hợp báo cáo chi phí kinh doanh xăng dầu của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu gửi về Bộ Tài chính và ý kiến của Bộ Công Thương tại công văn số 720/BCT-TTTN ngày 03/11/2022, công văn số 725/BCT-TTTN ngày 04/11/2022; Bộ Tài chính có thông báo:

Đối với con hi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam để tính giá cơ sở xăng dầu (đối với nguồn xăng dầu nhập khẩu): Xăng nền để phối trộn xăng E5RON92: 640 đồng/lít; Xăng RON95: 1.280 đồng/lít; Dầu điêzen 0,05S: 730 đồng/lít; Dầu hỏa: 1.740 đồng/lít; Dầu madut 180cst 3,5S: 1.290 đồng/kg. Thời gian thực hiện, đề nghị nghiên cứu áp dụng từ kỳ công bố giá cơ sở xăng dầu ngày 11/11/2022.

Đối với chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về đến cảng và chi phí kinh doanh định mức để tính giá cơ sở xăng dầu, theo Bộ Tài chính, ngày 21/10 đã có công văn yêu cầu các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu báo cáo chi phí thực tế phát sinh tại đơn vị. Qua tổng hợp thông tin và số liệu của các thương nhân đầu mối xăng dầu báo cáo, đối với chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về đến cảng, Bộ Tài chính xác định các khoản chi phí này không phát sinh đột biến. Mặt khác, các khoản chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về cảng mới được tăng từ ngày 7/10. Do đó, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá theo định kỳ vào cuối năm 2022 và thông báo áp dụng vào 10/1/2023.

Đối với chi phí kinh doanh định mức, để đánh giá biến động tại thời điểm hiện nay, Bộ Tài chính đã đề nghị các thương nhân báo cáo tình hình thực hiện.

Theo đó, kết quả tổng hợp báo cáo của các thương nhân kinh doanh xăng dầu đầu mối cho biết, trong số 28 đơn vị gửi báo cáo cho thấy: Chỉ có 2 đơn vị báo cáo số liệu tăng chi phí kinh doanh 9 tháng đầu năm 2022 (Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Công ty Dầu khí Nam Sông Hậu). Có 2 đơn vị báo cáo chi phí tăng nhưng do sản lượng tăng nên chi phí bình quân trên sản lượng giảm (Tổng công ty Dầu Việt Nam (giảm 6 đồng/lít), Công ty Anh Phát (giảm khoảng 136 đồng/lít). 3 đơn vị báo cáo không có biến động bất thường (Công ty TNHH MTV Dầu khí TP. Hồ Chí Minh, Tổng công ty Thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ, Công ty TNHH xăng dầu Tây Nam S.W.P). 21 đơn vị còn lại không có số liệu cụ thể về chi phí kinh doanh 9 tháng đầu năm 2022.

Trước kết quả trên, Bộ Tài chính cho biết sẽ phối hợp với Bộ Công Thương tiếp tục rà soát và công bố vào kỳ tiếp theo theo đúng quy định.

Liên quan đến xăng dầu, trước đó, Bộ Tài chính đã thực hiện điều chỉnh hai lần với chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam, 2 lần với premium trong nước (yếu tố điều chỉnh giá tham chiếu là giá platts) và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng.

Trong khi đó, chi phí kinh doanh định mức cũng được Bộ Tài chính rà soát và điều chỉnh vào ngày 30/6. Theo bộ này, chi phí kinh doanh xăng dầu hằng năm tương đối ổn định, phụ thuộc vào hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy vậy, Bộ Tài chính cho rằng việc rà soát các khâu phân phối, chi phí trung gian cũng là biện pháp cần thiết để giảm chi phí kinh doanh xăng dầu.

Hoài Thương 

Đăng nhận xét

0 Nhận xét