VietNam Airlines vay nợ hơn 15 nghìn tỷ đồng từ các tổ chức tín dụng nào?

PLTT - Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam đang rơi vào tình cảnh khốn khổ vì nợ. Vietnam Airlines đã phải vay tiền loạt ngân hàng để duy trì hoạt động.


Theo báo cáo quý 1/2021 thì Vietnam Airlines lỗ ròng 5.000 tỷ và đang chậm tiến độ trả khoảng trên 6.000 tỷ cho các chủ nợ. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng cộng vay nợ của Vietnam Airlines phải thanh toán cho các ngân hàng khoảng 15.800 tỷ đồng.

Hiện tại, chưa biết số tiền trên đã được giãn nợ hay chưa nhưng nếu không thể thanh toán thì có nguy cơ Hãng hàng không quốc gia Việt Nam sẽ phải hầu tòa và nhận quyết định phá sản.

Vậy các tổ chức nào đứng đằng sau những khoản nợ khổng lồ của hãng?

Vietcombank đang được biết đến là chủ nợ lớn nhất của Vietnam Airlines với tổng cộng 7.500 tỷ đồng với hơn 2.700 tỷ đồng nợ ngắn hạn và hơn 4.800 tỷ đồng nợ dài hạn, chiếm 50% tổng số nợ.

Tiếp đến là hai ngân hàng có lượng vốn nhà nước lớn: BIDV và Vietinbank, với tổng số tiền vay lần lượt là 2.645 tỷ đồng và 1.379 tỷ đồng.

Ngoài ra, các ngân hàng tư nhân như Techcombank, MB, Eximbank cũng là chủ nợ của Vietnam Airlines với số tiền khoảng 800-900 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, hãng hàng không cũng phải đối mặt với các nợ thuê tài chính dài hạn 18.260 tỷ đồng. Vietnam Airlines đang nợ các tổ chức tín dụng nước ngoài như tập đoàn IGN và Citibanks lần lượt 8.100 tỷ đồng và 5.800 tỷ đồng. Hãng cũng phải trả các khoản nợ tại MUFG 1.667 tỷ đồng, JP Morgan Chase 1.288 tỷ đồng và HSBC 1.163 tỷ đồng.

Vietnam Airlines cũng có số tiền vay nợ ngắn hạn đã tăng lên 7.565 tỷ đồng, và vay nợ dài hạn giảm nhẹ xuống 8.900 tỷ đồng tính đến cuối tháng 3/2021. Như vậy, tổng số vay nợ của Vietnam Airlines là đã tăng gần 700 tỷ đồng so với đầu năm, ở mức 16.465 tỷ đồng.

Trong một diễn biến liên quan, sau khi Bộ KHĐT tiết lộ Vietnam Airlines dự kiến số lỗ khoảng 10,000 tỷ đồng và nợ quá hạn lên tới 6,240 tỷ đồng 6 tháng đầu năm thì CTCK MB thông báo sẽ loại mã cổ phiếu HVN của hãng ra danh mục cho vay từ ngày 21/06 và loại khỏi danh mục tính quản trị rủi ro từ ngày 01/07. Hiện nhiều công ty chứng khoán khác đã ngừng cấp giao dịch ký quỹ (margin) cho cổ phiếu HVN.

Về hậu quả nếu Vietnam Airlines phá sản, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện CIEM, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng chỉ ra rằng: Nhà nước có thể mất toàn bộ vốn đầu tư vào hãng; áp lực từ các khoản vay mua tàu bay sẽ dồn lên Chính phủ trả nợ thay, bởi cơ quan hành chính cao nhất của Việt Nam đã tiến hành bảo lãnh cho VNA; hàng ngàn người lao động mất việc; các ngân hàng sẽ khó có thể thu hồi các khoản nợ xấu...

Mỹ Cảnh

Đăng nhận xét

0 Nhận xét