PLTT - Tại buổi Họp báo thông tin về kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, tính đến 15/6, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế ở mức 5,1 % so với cuối năm 2020 trong khi cùng kỳ chỉ đạt 2,26%.
Đến cuối năm 2020, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế đã đạt hơn 9,192 triệu tỷ đồng. Như vậy, ước tính từ đầu năm đến nay, hệ thống các tổ chức tín dụng đã bơm thêm hơn 460.000 tỷ đồng tín dụng ra nền kinh tế.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, một số ngân hàng đã hết "room" tăng trưởng tín dụng và đang đề xuất nới trần tín dụng. Tuy nhiên, theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, việc áp trần lúc này là hết sức cần thiết.
Nền kinh tế Việt Nam vẫn nhận vốn tín dụng do hệ thống ngân hàng cung cấp là chủ yếu, khác với các thị trường có dòng vốn chứng khoán và trái phiếu phát triển. Do đó, theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, không quản lý tốt và hài hòa khiến một số ngân hàng tăng trưởng tín dụng ồ ạt dẫn đến nguy cơ nợ xấu.
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng trưởng có hiệu quả, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng ngân hàng.
Ở lĩnh vực “nóng" bất động sản, Vụ trưởng Tín dụng các ngành kinh tế Nguyễn Tuấn Anh thông tin, đến cuối tháng 4, tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực bất động sản là 4,83%. Hết tháng 6, dự kiến tăng trưởng tín dụng ở mức đạt 5,5%, thấp hơn mức tăng trưởng chung toàn ngành.
Cơ quan quản lý tiền tệ cho biết bất động sản luôn là lĩnh vực được kiểm soát chặt chẽ về rủi ro. Tăng trưởng tín dụng vào bất động sản có xu hướng chậm lại rõ rệt trong 3 năm gần đây. Dịch bệnh khiến các hoạt động đầu tư giảm mạnh nên tín dụng vào bất động sản năm qua tăng chậm, thấp hơn đà tăng trưởng tín dụng bình quân cùng năm. Lần lượt ở từ mức 26,7% năm 2018, về mức 21% năm 2019. Năm 2020 tăng trưởng tín dụng bất động sản gần 11,9%.
Mỹ Cảnh
0 Nhận xét