PLTT - Với việc đưa công ty lên sàn vào năm 1988, Michael Dell đã từng bước dẫn dắt Dell trở thành một công ty máy tính hàng đầu thế giới.
Ý tưởng luôn là một vế của phương trình, vế còn lại, chính là hành động. Chính bởi sự rõ ràng, kiên trì theo đuổi ý tưởng đến cùng, kiếm tiền từ chính sở thích đã đưa cậu bé Michael Dell trở thành ông chủ tập đoàn máy tính lớn.
Michael Dell sinh ngày 23/2/1965 trong một gia đình Do Thái tại thành phố Houston, bang Texas, Mỹ với người cha là bác sĩ chỉnh hình và mẹ làm môi giới chứng khoán. Cha mẹ ông luôn tạo điều kiện và khuyến khích con trai nối nghiệp nghề y giống cha nhưng Michael lại có niềm đam mê bất tận với thiết bị điện tử.
Năm 8 tuổi, Michael Dell thể hiện sự thông minh vượt trội khi đăng ký thi vượt cấp để lấy tấm bằng sớm, có nhiều thời gian để tự do kinh doanh, không bị chôn chân trên ghế nhà trường.
Đến khi 10 tuổi, Dell đầu tư hết số tiền cậu kiếm được bằng những công việc bán thời gian cho thị trường chứng khoán cũng như thị trường kim loại phái sinh. Hai năm sau đó, trong một lần đi hội chợ, nhận thấy người bán tem kiếm được khá tiền từ việc mua đi bán lại. Trở về nhà, ông đã tập hợp tem của mình và bạn bè rồi bắt đầu bán lại theo các đơn đặt hàng bằng thư.
Công việc này đã giúp Dell thu về 2.000 USD. Tuy số tiền lợi nhuận không lớn nhưng đây là những viên gạch đầu tiên giúp Dell đặt nền móng cho ý tưởng bán hàng không qua người trung gian.
Đam mê máy tính, Dell đã thuyết phục ba mẹ mua một chiếc máy tính vào dịp sinh nhật thứ 15. Ở thời điểm đó, chiếc máy tính cá nhân được xem là món hàng cao cấp và xa xỉ. Vậy nhưng khi có được món quà này, chàng trai 15 tuổi đã tháo chiếc máy ra từng mảnh và thử lắp lại để tìm hiểu cách hoạt động của nó. Michael Dell đứng cạnh một dây chuyền sản xuất tại nhà máy của mình ở Austin.
Trong thời gian học tại trường trung học Memorial, Micheal đã đi làm thêm tại tờ báo Houston Post của thành phố nơi cậu sinh sống. Tại đây, Dell đã đưa ra một nguyên tắc như kim chỉ nam của đời mình: "Không quan trọng là bán thứ hàng hóa gì mà là bạn làm điều đó như thế nào".
Nhận biết nhu cầu về máy tính thời điểm đó rất lớn, trong những năm cuối cấp 3, Dell tự tin mình sẽ có thể sản xuất ra chiếc máy tính tốt hơn với giá rẻ hơn. Dẫu vậy, cha mẹ ông muốn ông tập trung học để trở thành bác sĩ.
Michael Dell nhập học đại học Texas tại Austin, dự định trở thành một bác sĩ theo lời cha mẹ nhưng ông nhanh chóng từ bỏ ý tưởng này khi được trải nghiệm những thành công đầu tiên trong lĩnh vực máy tính và kỹ thuật.
Đầu năm 1984, lúc này mới 19 tuổi, Dell ra mắt công ty PC's Limited với số vốn 1.000 USD. Dell bắt tay vào lắp ráp máy tính, bán với bảo hành dịch vụ miễn phí một năm. Sự tận tâm phục vụ của Dell đã giúp ông có hàng trăm khách hàng thân thiết.
Ít lâu sau, Dell quyết định bỏ trường đại học để dành toàn bộ thời gian cho công việc kinh doanh. Chính quyết tâm đó của Dell đã giúp công ty nhanh chóng trở thành một trong những doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất tại Mỹ với doanh thu trên 6 triệu USD trong năm đầu.
Đến năm 1987, ông đổi tên công ty PC's Limited thành Dell Computer. Chỉ một năm năm, Dell bán được 1.000 máy tính mỗi tháng, nổi lên như một hiện tượng thực sự. Đáng chú ý, Dell đã thu về 30 triệu USD ngay trong đợt phát hành đầu tiên niêm yết trên thị trường chứng khoán.Michael Dell trở thành CEO trẻ nhất của một công ty được nằm trong nhóm 500 tập đoàn hàng đầu của tạp chí Fortune khi 27 tuổi.
Năm 27 tuổi, Michael Dell trở thành CEO trẻ nhất của một công ty được nằm trong nhóm 500 tập đoàn hàng đầu của tạp chí Fortune. Trong thập kỷ 90, cổ phiếu của Dell luôn luôn là sự lựa chọn số một, với giá trị tăng tới 90.000%.
Năm 1996, Dell bắt đầu cho bán máy tính trên web và cho ra mắt máy chủ đầu tiên, thu về một triệu USD doanh số chỉ trong một ngày thông qua trang dell.com. Dell thành lập quỹ đầu tư MSD Capital vào năm 1998 với mục đích ban đầu là quản lý tài sản của gia đình.
Khi được hỏi chìa khoá để dẫn tới thành công chính, theo Dell đó chính là lắng nghe khách hàng. "Ngay từ khi khởi nghiệp, toàn bộ quá trình kinh doanh của chúng tôi - từ khâu thiết kế, sản xuất đến khâu bán hàng đều được định hướng quanh việc lắng nghe ý kiến của khách hàng, trả lời khách hàng và cung cấp cho khách hàng những gì họ muốn".
Thông qua MSD Capital, Dell nắm trong tay nhiều bất động sản tại Hawaii, Mexico và California. Công ty cũng đầu tư vào những khách sạn xa xỉ, bất động sản thương mại và đa gia đình, phát triển đất và tham gia nhiều quỹ phát triển bất động sản khác.
Ông tạm rời xa vị trí CEO Dell vào năm 2004 nhường ngôi vị lại cho Kevin B. Rollins tiếp quản nhưng 3 năm sau, Dell lại trở thành chủ tịch kiêm CEO của công ty.
Như nhiều tỷ phú khác, CEO của Dell sở hữu bộ sưu tập xe đắt giá, phi cơ và vô số bất động sản. Không chỉ vậy, vị tỷ phú 56 tuổi này còn chi rất nhiều tiền cho những bộ sưu tập khác. Năm 2010, ông sẵn sàng chi 100 triệu USD để mua album gồm 185.000 bức ảnh mang phong cách cổ điển.
Không chỉ kiếm tiền giỏi, tỷ phú Michael Dell còn tích cực tham gia vào các hoạt động thiện nguyện.
Năm 1999, Michael cùng với vợ là Susan thành lập Quỹ Michael và Susan Dell. Thông qua quỹ, cặp đôi đã quyên góp hơn 65 triệu USD cho Viện nghiên cứu nhi khoa Dell, Trung tâm Michael & Susan Dell về tiến bộ sống lành mạnh, và trung tâm y tế trẻ em Dell. Cả ba tổ chức y tế này đều liên kết với đại học Texas nơi ông từng theo học.
Không dừng lại ở đó, Dell còn đóng góp khoảng 1,6 tỷ USD cho các tổ chức xã hội, phi lợi nhuận tại Mỹ, Ấn Độ, và Nam Phi.
Với khối tài sản khổng lồ 45,1 tỷ USD, Michael Dell đã ghi danh mình vào top 30 những người giàu nhất thế giới do Forbes bình chọn.
Nhóm PV
0 Nhận xét