CEO Masayoshi Son muốn biến SoftBank thành "gia tộc quyền lực nhất" của thế kỷ XXI

PLTT - Vị tỷ phú 63 tuổi không giấu tham vọng đưa SoftBank thành nhà cung cấp vốn cho cuộc cách mạng thông tin thế kỷ 21 - tương tự như cách nhà Rothschild đã làm với cuộc cách mạng công nghiệp thế kỷ 19.


Masayoshi Son, CEO SoftBank chia sẻ với các cổ đông hôm 23/6 rằng ông muốn biến tập đoàn công nghệ Nhật Bản trở thành "gia tộc quyền lực Rothschild của thế kỷ XXI" bằng cách dẫn đầu cuộc cách mạng thông tin.

Vị tỷ phú 63 tuổi cho biết ông nhận được rất nhiều câu hỏi trong những năm qua về việc SoftBank là một công ty kinh doanh hay đầu tư. Trước những lời bàn tán này, ông trả lời: "Chúng tôi không phải là một nhà đầu tư truyền thống và đơn giản như những người khác."

Thay vào đó, ông Son miêu tả SoftBank như một "nhà cung cấp vốn cho cuộc cách mạng thông tin" trong thế kỷ XXI, giống như cách mà Mayer Amschel Rothschild đã tài trợ cho cuộc cách mạng công nghiệp thế kỷ XIX. Hình minh họa CEO Masayoshi Son sử dụng trong buổi họp mặt cổ đông thường niên lần thứ 41 của SoftBank.

Trong cuộc cách mạng công nghiệp hai thế kỷ trước, Rothschild là một trong những người chơi chính. Các nhà phát minh nổi tiếng như James Watt đã có những sáng kiến tuyệt vời. Tuy nhiên cuộc cách mạng công nghiệp không thể diễn ra chỉ với các nhà phát minh.

Với tư cách là một nhà tư bản, sự đóng góp của Rothschild đã không được đánh giá đúng mức. Tương tự như vậy, chúng tôi muốn trở thành nhà cung cấp vốn cho cuộc cách mạng thông tin, đó là mục tiêu mới mà SoftBank đặt ra.

Theo ông Son, trí tuệ nhân tạo (AI) là lĩnh vực trọng tâm mà SoftBank đặc biệt quan tâm để dẫn đầu cuộc cách mạng thông tin: "Trong cuộc cách mạng công nghiệp, con người được thay thế bằng máy móc, còn trong cuộc cách mạng thông tin, AI sẽ là thứ thay thế máy móc".

Thông qua hai Quỹ Vision và một quỹ dành riêng cho khu vực Châu Mỹ Latinh, SoftBank đã đầu tư vào 264 công ty. Mặc dù phần lớn các công ty này chưa tạo ra lợi nhuận, tập đoàn vẫn chấp nhận rủi ro và tiếp tục bơm tiền vào SoftBank, giá trị tài sản ròng mới là thước đo hiệu quả hoạt động chính xác nhất.

Nhờ những khoản đầu tư mạo hiểm trên, vào cuối tháng 3/2021, SoftBank đã đạt giá trị tài sản ròng 235 tỷ USD. Tỷ suất hoàn vốn nội bộ của tập đoàn Nhật Bản đạt 43% mỗi năm, duy trì trong suốt 25 năm qua.

Ông Son cho biết SoftBank có 4 động lực kinh doanh chính. Ban đầu là Yahoo, sau đó là SoftBank Mobile, sàn thương mại điện tử Alibaba và gần đây nhất chính là quỹ Vision.

"Đến tận năm ngoái, quỹ Vision vẫn bị chỉ trích và gặp khó khăn. Mọi người nói tôi không còn trẻ và tốt nữa, họ cũng bảo tôi đã quá tham lam...thế nhưng cuối cùng chúng tôi đã bắt đầu thấy sự khởi sắc", CEO Masayoshi Son nói về Vision - quỹ đầu tư ông dành nhiều tâm huyết để phát triển.

Mặc dù thành công với nhiều thương vụ bom tấn như GoTo, Alibaba, Coupang,... Ông Son thừa nhận SoftBank cũng phải nhận nhiều "bài học" đắt giá trong quá trình đầu tư mạo hiểm những năm qua với những thất bại với Greensill, WeWork hay Wag. "Đôi khi tôi cảm thấy xấu hổ vì những bài học khó khăn đó", ông Son nói.

Khải Hoàng

Đăng nhận xét

0 Nhận xét