Đánh giá thế nào về kim ngạch 34 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc chỉ trong 4 tháng?

PLTT - Trong 4 tháng, kim ngạch hàng nhập khẩu từ Trung Quốc gần 34 tỷ USD, tăng đột biến 51,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Vậy con số này nói lên điều gì? Việt Nam có đang trở thành nơi "rửa" xuất xứ hàng Trung Quốc?


Theo Tổng cục Hải quan, trong 4 tháng đầu năm 2021, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 208,25 tỷ USD, tăng 30,7% với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, trị giá hàng hóa xuất khẩu đạt 104,94 tỷ USD, tăng 29,6%, tương ứng tăng 23,94 tỷ USD và nhập khẩu đạt 103,31 tỷ USD, tăng 31,8%, tương ứng tăng 24,92 tỷ USD.

Trong 4 tháng, Việt Nam đã nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc 34 tỷ USD hàng hóa, tăng ở mức đột biến so với cùng kỳ năm 2020.

Các chuyên gia kinh tế khẳng định nhập siêu từ thị trường Trung Quốc tăng mạnh chủ yếu do cùng kỳ năm 2020 thương mại Việt Nam – Trung Quốc đã bị gián đoạn bởi dịch COVID-19, còn năm nay thương mại hai bên đã dần trở lại trạng thái bình thường.

Ngày 3/4/2021, tờ Lao Động dẫn lời của Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, TS Nguyễn Đức Độ, cho rằng: "Trong những tháng đầu năm 2021, nhập siêu từ Trung Quốc tăng nhưng chủ yếu là nguyên liệu sản xuất. Điều này cho thấy hoạt động kinh tế trong nước đang hồi phục".

Bộ Công Thương cũng khẳng định, với đà tăng trưởng mạnh ngay cả trong bối cảnh đại dịch COVID-19, thương mại hai chiều giữa Việt Nam - Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trưởng cao, đặc biệt khi kinh tế hai nước bước vào giai đoạn phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19.

Trị giá xuất khẩu, nhập khẩu theo châu lục, khối nước và một số thị trường lớn trong 4 tháng năm 2021 và so với 4 tháng năm 2020. Nguồn: Tổng cục Hải quan.

Nhiề thông tin cho rằng với mức nhập khẩu tăng đột biến từ Trung Quốc, Việt Nam cần cẩn trọng vì có nguy cơ trở thành nơi rửa xuất xứ hàng hóa từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, xét trên con số từ 4 mặt hàng xuất khẩu có giá trị trên 5 tỷ USD và mặt hàng nhập khẩu thiết yếu như sắt thép trong quý 1/2021 của Việt Nam, với giá trị nhập khẩu đối với các mặt hàng tương tự từ Trung Quốc, nguy cơ trên khó có thể xảy ra.

4 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD trong quý 1/2021 của Việt Nam là Điện thoại các loại và linh kiện: 18,19 tỷ USD (xuất khẩu sang Trung Quốc: 3,96 tỷ USD); Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện: 15,85 tỷ USD (Trung Quốc: 3,28 tỷ USD) ; Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác: 12,17 tỷ USD (xuất khẩu chủ yếu sang Hoa Kỳ, EU); Hàng dệt may: 9,66 tỷ USD; Sắt thép: 2,79 tỷ USD.

Đối với mặt hàng điện thoại các loại, linh kiện, Trung Quốc và Hàn Quốc vẫn là 2 thị trường chính cung cấp cho Việt Nam, với tổng giá trị là 5,55 tỷ USD. Trong đó, từ Trung Quốc là 2,97 tỷ USD, tăng 49,7%, từ Hàn Quốc là 2,58 tỷ USD, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm trước.

Ở mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, Trung Quốc đã vượt Hàn Quốc trở thành thị trường lớn nhất cung cấp nhóm hàng này. Trị giá nhập khẩu nhóm hàng này trong 4 tháng đầu năm từ Trung Quốc là 6,3 tỷ USD (tăng 61% so với cùng kỳ 2020), còn Hàn Quốc là 5,84% (tăng 6%).

Riêng mặt hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác, cần phải xét tới yếu tố những doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI). Tổng giá trị nhập khẩu nhóm hàng này là 14,75 tỷ USD (Trung Quốc chiếm 7,46 tỷ USD) tăng 2,95 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2020. Nhưng trong số 2,95 tỷ USD này, thì riêng khối doanh nghiệp FDI nhập khẩu từ Trung Quốc đã tăng 2,8 tỷ USD.

Trị giá nhập khẩu máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng của khối doanh nghiệp FDI và khối doanh nghiệp trong nước 4 tháng năm 2020 và 4 tháng năm 2021. Nguồn: Tổng cục Hải quan.

Với mặt hàng dệt may, trị giá tổng nhập khẩu đạt 8,39 USD. Trong đó, Trung Quốc là thị trường lớn nhất cung cấp nhóm hàng này, chiếm tỷ trọng 50%, với 4,19 tỷ USD, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước.

Đối với sắt thép, lượng nhập khẩu trong 4 tháng đầu năm đạt hơn 5 triệu tấn, trị giá nhập khẩu là 3,73 tỷ USD, trong đó Trung Quốc chiếm 2,63 triệu tấn. Nhưng Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh nhập khẩu thép từ Việt Nam. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan năm 2020 thì nhập khẩu thép từ Việt Nam vào Trung Quốc tăng gấp 19 lần so với cùng kỳ 2019.

Nhiều chuyên gia cho rằng, lượng sắt thép nhập khẩu tăng cao do Việt Nam kiểm soát rất tốt tình hình bùng phát của đại dịch COVID-19, nhu cầu xây dựng vẫn tăng cao dẫn đến nhu cầu nhập khẩu thép cũng tăng.

Như vậy, xét từ các chỉ số số xuất khẩu và nhập khẩu ở những nhóm hàng, khó có thể kết luận số 34 tỷ USD này biểu hiện của nguy cơ Việt Nam thành điểm để "rửa" xuất xứ hàng Trung Quốc.

Tuy nhiên, với số tăng đột biến ấy, cũng cần phải quản lý chặt chẽ và cảnh giác với những trường hợp như sự kiện "Ấn Độ điều tra chống bán phá giá sản phẩm pin năng lượng mặt trời xuất xứ từ Việt Nam".

Nhóm PV

Đăng nhận xét

0 Nhận xét