Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra ghi nhận mức lãi khủng trong quý II/2022

PLTT - Tương tự nhóm dầu khí, hóa chất - phân bón, đa phần các doanh nghiệp thủy sản cũng vừa báo kết quả kinh doanh thắng lớn trong quý II/2022. Đáng chú ý, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra gây ấn tượng khi ghi nhận mức lãi “khủng” nhờ hưởng lợi từ chu kỳ tăng giá cá mạnh.


CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) vừa công bố kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong tháng 7. Cụ thể, Vĩnh Hoàn đạt 1.198 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng gần 13% so với tháng 6/2022.

Nhìn chung, doanh thu các mặt hàng trong tháng 7 của công ty này đều tăng trưởng hai con số so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, doanh thu về cá tra đạt 798 tỷ đồng, tăng 44% và chiếm 66% tổng doanh thu của Vĩnh Hoàn trong tháng. Đứng thứ hai là sản phẩm phụ, đạt 211 triệu USD, tăng 69%; sản phẩm chăm sóc sức khỏe đạt 73 triệu USD, tăng 22%...

Tính chung 7 tháng đầu năm, Vĩnh Hoàn thu về 8.646 tỷ đồng doanh thu, trong đó doanh thu từ cá tra đạt 5.753 tỷ đồng.

Có thể thấy thời gian gần đây, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra như Vĩnh Hoàn gây ấn tượng mạnh khi hầu hết đều có kết quả kinh doanh vượt trội, ghi nhận mức lãi “khủng” nhờ hưởng lợi từ chu kỳ tăng giá cá mạnh. Trong đó, Vĩnh Hoàn là doanh nghiệp dẫn đầu trong số 300 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cá tra.

Theo tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp, một doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn khác là Công ty Cổ phần Nam Việt (ANV) cũng ghi nhận lợi nhuận tăng mạnh mẽ từ mảng cá tra trong quý II/2022. Trong kỳ, doanh thu thuần của Nam Việt đạt 1.295 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, Nam Việt ghi nhận mức lãi ròng gần 241 tỷ đồng, cao hơn 10 lần cùng kỳ. Đây cũng là một trong những mức lãi ròng cao nhất mà công ty này ghi nhận được trong kỳ báo cáo.

Tính chung nửa đầu năm, Nam Việt ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.513 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ; trong đó, chủ yếu là sự tăng trưởng từ các mảng liên quan đến cá tra. Lợi nhuận sau thuế đạt 447 tỷ đồng, cao gấp 5 lần cùng kỳ. Với kết quả này, Nam Việt đã đạt 51% kế hoạch lợi nhuận của năm 2022.

Nhiều công ty xuất khẩu cá tra khác cũng ghi nhận mức tăng doanh số cao trong nửa đầu năm nay. Chẳng hạn như Công ty Thủy sản Biển Đông tăng 41%; Công ty Vạn Đức Tiền Giang tăng gần 61%; Công ty Đại Thành Tiền Giang tăng 118%; Công ty Cổ phần Thủy sản NTFS tăng 87%...

Theo tin từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), điểm nổi bật với xuất khẩu cá tra Việt Nam trong nửa đầu năm 2022 là sự tăng trưởng mạnh của thị trường Trung Quốc. Thị trường này tiêu thụ lượng cá tra nhiều nhất, chiếm 30% thị phần với gần 428 triệu USD, tăng gần 79% so với cùng kỳ. Giá trung bình cá tra phile đông lạnh xuất sang thị trường Trung Quốc là 2,45 USD/kg, tăng 37% so với mức 1,79 USD/kg cùng kỳ 2021.

Ngoài Mỹ và Trung Quốc, nhiều thị trường khác có sự tăng trưởng đột phá so với cùng kỳ như: Thái Lan tăng 90%, chiếm 4,4% thị phần; Mexico tăng 81% chiếm 3,7% thị phần; Hà Lan tăng 74%, Canada tăng 109%... Giá trung bình xuất khẩu cá tra phile sang các thị trường khác đều tăng từ 28 - 66%.

Bên cạnh nhu cầu mạnh mẽ và đang phục hồi từ các thị trường xuất khẩu lớn, Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI nhận định nhu cầu cũng được thúc đẩy bởi các đơn đặt hàng bị dồn nén do hạn chế sản xuất trong nửa cuối năm 2021 vì giãn cách xã hội tại Việt Nam. Ngoài ra, biến động thị trường năm 2022 như lạm phát và chiến sự Nga-Ukraine cũng là cơ hội cho ngành cá tra xuất khẩu Việt Nam, khi được lựa chọn thay thế cho cá minh thái và cá tuyết tại một số thị trường lớn.

Lãnh đạo một số doanh nghiệp xuất khẩu cá tra ở ĐBSCL cũng cho biết, dù giá xuất khẩu tăng nhưng doanh nghiệp và người chăn nuôi vẫn không được hưởng lợi. Nguyên nhân do chi phí chăn nuôi tăng cao trong 2 năm qua, hiện ở mức bình quân 25.000 - 27.000 đồng/kg cá nguyên liệu. Giá thành sản xuất cá nguyên liệu đang rất cao khiến nhiều người chăn nuôi đành treo ao. Trong khi đó, nửa đầu năm nay giá cước vận tải biển rất cao.

Còn theo tin từ VASEP, hiện nay nguồn nguyên liệu từ nuôi trồng cũng giảm mạnh; các thủ tục chứng nhận nguồn gốc thuỷ sản khai thác còn nhiều bất cập dẫn đến các doanh nghiệp gặp vướng mắc khi sử dụng nguồn nguyên liệu khai thác có chứng nhận (tính tới tháng 6/2022, EU vẫn chưa gỡ thẻ vàng IUU cho thủy sản Việt Nam).

Đơn vị này cho rằng, nửa cuối năm 2022 nguyên liệu tôm, hải sản sẽ khó hơn đầu năm trong bối cảnh nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu lớn đang hạ nhiệt.

Báo Công an nhân dân đưa tin, cùng với những khó khăn trên, các DN XK nông, lâm, thủy sản cũng đang đối mặt với nhiều thách thức lớn, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của DN trong XK hàng hóa như: Lạm phát tăng cao ở nhiều thị trường XK, ảnh hưởng của chiến sự Nga - Ukraine... khiến giá vật tư, nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là chi phí logistics tăng mạnh.

Theo thống kê của Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), tổng số lượng DN logistics tại 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL hiện chỉ có 1.461 DN cung cấp dịch vụ logistics (chiếm khoảng 4,39% số lượng DN logistics của cả nước), chủ yếu là các DN vừa và nhỏ, đặc biệt là DN nông nghiệp tự cung cấp hạ tầng logistics cho sản phẩm của mình, điều này làm gia tăng chi phí cho các DN, giảm sức cạnh tranh của nông sản ĐBSCL nói riêng và nông sản Việt nói chung.

Vùng còn thiếu các trung tâm logistics trọng điểm và các hệ thống trung tâm vệ tinh, thiếu bãi container rỗng, hệ thống kho ở các cảng... Do đó, hàng hóa phải vận chuyển qua nhiều địa điểm và phần lớn lượng hàng hóa này phải chuyển tải về các cảng lớn ở TP Hồ Chí Minh và cảng Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu) khiến chi phí vận tải DN phải gánh cao hơn từ 10-40% tùy từng tuyến.

Trước tình hình khó khăn trên, bà Bùi Hoàng Yến, Cục Xúc tiến Thương mại (XTTM) - Bộ Công Thương cho rằng, DN cần tận dụng hơn nữa cơ hội để thúc đẩy XK vào các thị trường mà Việt Nam có ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA), đó là động lực để tăng trưởng XK trong năm 2022. Hiện, Việt Nam đã ký kết 15 FTA, việc đàm phán và ký kết thành công nhiều FTA với các đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội về tăng trưởng kinh tế, đa dạng hóa thị trường XNK trong thời tới. Đặc biệt là các hiệp định thế hệ mới như EVFTA, CPTPP...

Đại diện Cục XTTM cho rằng, DN cần tìm hiểu kỹ thông tin về hiệp định để nắm vững các cam kết của Việt Nam và đối tác, đặc biệt là các thông tin về các ưu đãi thuế quan đối với những mặt hàng mà DN Việt Nam có thế mạnh hoặc nhiều tiềm năng XK trong thời gian tới. Bên cạnh đó, phải nghiên cứu những thách thức, cơ hội để có sự chuẩn bị và đặc biệt là DN cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển.

Về phía Cục XTTM, để hỗ trợ DN mở rộng thị trường XK, Cục XTTM đã xây dựng đề án và triển khai hệ sinh thái XTTM trở thành nền tảng tích hợp, kết nối các DN Việt với các đối tác có nhu cầu NK và giữa các DN với các tổ chức hỗ trợ kinh doanh nhằm tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường XK. Cục XTTM cũng phối hợp với các bộ, ngành triển khai đa dạng các hình thức XTTM thông qua chương trình XTTM quốc gia.

Trước mắt, ưu tiên triển khai các hoạt động xúc tiến XK vào các thị trường sớm khôi phục sau dịch COVID-19. Về lâu dài, đẩy mạnh vào các thị trường trọng điểm: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN, EU, Hoa Kỳ… Đồng thời, Cục XTTM cũng phối hợp với tham tán thương mại của 56 quốc gia, tổ chức các phiên tư vấn thị trường, cung cấp thông tin thị trường và kết nối giao thương cho DNXK.

Thu Thuỷ 

Đăng nhận xét

0 Nhận xét