Việt Nam sẽ khó duy trì lạm phát ở mức thấp như hiện tại?

PLTT - Lạm phát Việt Nam hiện đang được kiểm soát ở mức thấp so với mặt bằng chung của thế giới với tốc độ tăng CPI bình quân 4 tháng đầu năm 2022 ở mức 2,1% so với cùng kỳ năm trước. Các chính sách của Chính phủ như giảm thuế giá trị gia tăng, giảm phí là lệ phí hay giảm thuế môi trường đối với xăng dầu đã đem lại tác động tốt. Tuy nhiên, áp lực lạm phát trong những tháng còn lại của năm 2022 và cả năm 2023 là rất lớn do các tác động tiêu cực chung trên thị trường.


Trong bối cảnh đại dịch đã cơ bản được khống chế, nền kinh tế thế giới đang trên đà phục hồi, kéo theo đó là nhu cầu tiêu dung tăng cao. Dù vậy đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn chưa được xử lý, Trung Quốc phong tỏa do đại dịch, khủng hoảng Nga - Ukraine vẫn tiếp diễn, khiến lạm phát giá nhiên liệu, thực phẩm gia tăng tại nhiều nơi trên thế giới. Việt Nam hiện là một trong ít các quốc gia giữ mặt bằng lạm phát ở tầm kiểm soát, với CPI bình quân 4 tháng đầu năm 2022 ở mức chỉ 2,1% so với cùng kì năm trước. Theo Tổng cục thống kê, bình quân 4 tháng đầu năm 2022, giá xăng dầu tăng 48,84% so với cùng kỳ năm trước, giá khí ga trong nước biến động theo giá xăng dầu và giá khí ga thế giới, bình quân 4 tháng tăng 24,6%. Giá thực phẩm biến động theo chiều ngược lại, giảm 0,94% bình quân 4 tháng đầu năm nhờ tự chủ động được nguồn cung lương thực, thực phẩm trong nước. Các chính sách được ban hành kịp thời, giảm áp lực đáng kể lên mặt bằng giá, như: giảm thuế giá trị gia tăng với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ từ 10% xuống còn 8% từ ngày 1/2/2022; giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí trong 6 tháng đầu năm 2022; giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu từ ngày 1/4/2022. Ngoài ra, việc thực hiện miễn, giảm học phí của một số địa phương nhằm chia sẻ khó khăn với người dân trong đại dịch cũng đã giúp chỉ số giá nhóm giáo dục giảm 3,93%, tác động làm CPI chung giảm 0,21 điểm phần trăm.

Tuy nhiên, áp lực lạm phát trong những tháng còn lại của năm 2022 và cả năm 2023 là rất lớn do các tác động tiêu cực chung trên thị trường thế giới. Trong một tuyên bố gần đây, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhấn mạnh châu lục này đang phải đối mặt với nguy cơ lạm phát đình trệ với dự báo lạm phát tại châu Á sẽ tăng 3,2% trong năm 2022, cao hơn nhiều so với dự báo đưa ra trước đây, đồng thời hạ dự báo tăng trưởng của châu Á xuống còn 4,9%, do tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giảm tốc.

IMF cũng đưa ra dự báo lạm phát năm 2022 của Việt Nam tăng 3,9%, sát ngưỡng mục tiêu kiểm soát 4% đặt ra; Ngân hàng Standard Chartered dự báo lạm phát năm 2022 của Việt Nam vượt mục tiêu 4% Quốc hội đề ra và có thể lên 5,5% trong năm 2023. Trong khi đó, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) dự báo nếu giá dầu bình quân năm 2022 ở mức 80 USD/thùng thì lạm phát năm 2022 của Việt Nam có thể đạt mức 4,5%; tuy nhiên, nếu giá dầu duy trì trên ngưỡng 100 USD/thùng thì lạm phát có thể tăng lên mức 5,1%. Các rủi ro lạm phát như đứt gẫy chuỗi cung ứng, giá nguyên vật liệu tăng cao trên thế giới tác động đến Việt Nam là không thể tránh khỏi.

Để bảo đảm kiểm soát tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2022 ở mức khoảng 4% theo mục tiêu Quốc hội đề ra, các bộ ban ngành đã và đang phối hợp để cố gắng kiểm soát lạm phát từ nhiều góc độ khác nhau.

Thứ nhất, các công cụ chính sách tiền tệ cần được điều hành linh hoạt, đồng bộ, hạn chế tối đa nguồn tiền ra thị trường, quản lý và siết chặt cho vay đầu tư bất động sản để phòng chống bong bóng giá.

Thứ hại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có các giải pháp hợp lý để bình ổn giá phân bón, thức ăn chăn nuôi, cây trồng, thực phẩm khi áp lực tăng giá của nhóm này đang ngày càng mạnh trên thế giới dù giá xăng dầu đã tăng chậm lại.

Đồng thời, tiếp tục sử dụng linh hoạt các công cụ bình ổn giá xăng dầu, giảm bớt sự lệ thuộc và tác động tiêu cực của giá xăng dầu thế giới tăng cao đến sự ổn định và phát triển kinh tế.

Nếu tiếp tục thực hiện tốt những điều trên, Việt Nam có thể giữ vững đà tăng trưởng kinh tế mà vẫn giữ được lạm phát ở trong tầm kiểm soát.

Thiên Long

Đăng nhận xét

0 Nhận xét