Ngô Vũ Bích Diễm, nguồn cảm hứng mãnh liệt của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

PLTT - Ngô Vũ Bích Diễm, nguồn cảm hứng mãnh liệt để nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tạo nên ca khúc “Diễm xưa” – một trong những bản tình ca lãng mạn hay nhất của nền tân nhạc Việt Nam.

Hai chị em Ngô Vũ Bích Diễm và Ngô Vũ Dao Ánh sinh ra ở Hà Nội, theo cha vào Huế sinh sống từ năm 1952. Cha của hai chị em là giáo sư Ngô Đốc Khánh - thầy dạy Pháp văn tại trường Đồng Khánh và trường Quốc học Huế. Nhà họ ở số 46 đường Phan Chu Trinh (cũ), gần cầu Phủ Cam, gần nơi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sống (khu cư xá trên đường Nguyễn Trường Tộ, TP.Huế).


Trong phim Em và Trịnh, khán giả sẽ bắt gặp Bích Diễm (Lan Thy đóng), một cô gái xinh đẹp thướt tha, nhưng đằng sau vẻ ngoài dịu dàng lại ẩn chứa điều gì đó nổi loạn từ bên trong. Còn Dao Ánh (Hoàng Hà đóng) khi ấy là một cô bé mới lớn, xinh xắn và vẫn giữ nét tinh nghịch hồn nhiên. Dao Ánh là em gái của Diễm, chính vì thế khi đặt cả hai nhân vật này cạnh nhau, ta sẽ thấy mỗi người đẹp theo những cách riêng biệt.


Là một ông giáo gốc Bắc, ông Ngô Đốc Khánh (NSND Trọng Trinh) nổi tiếng nghiêm khắc, kiểm soát hai cô con gái rất gắt gao. Mẹ của hai chị em (NSƯT Chiều Xuân) thì sở hữu nét đẹp và tính cách nền nã dịu dàng của người phụ nữ Hà Nội. Chính xuất thân từ gia đình nền nếp của Diễm và Ánh đã khiến chuyện tình của họ với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tuy đẹp nhưng cũng nhiều trắc trở.


Rất nhiều, rất nhiều năm sau những tháng ngày chàng trai trẻ họ Trịnh ngóng chờ một hình bóng bên khung cửa sổ, chỉ cần ai đó cất tiếng hát “Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ…”, người ta lại thấy mình như cũng đang ngồi bên hiên cửa ngắm những hạt mưa bay trong một buổi chiều mùa hạ Huế. Một câu hát có sức mạnh dường ấy, chỉ có thể là vì cái ngày mà nó ra đời, người đặt bút viết lên giai điệu đang mang trong mình tình cảm cháy bỏng đến vượt cả không gian và thời gian.

Bích Diễm theo học tại Đại học Văn khoa ở Huế, ngày ngày đi bộ đến trường qua những hàng cây long não ngang qua nhà Trịnh Công Sơn, không hay biết rằng mình cũng đã dần đi vào trái tim chàng nhạc sĩ. “Thuở ấy có một người con gái rất mong manh, đi ra những hàng cây long não lá li ti xanh để đến trường...”. Từ xuân sang hạ, rồi hạ lại sang thu, tình cảm ấy cứ lớn dần theo những ngày bên khung cửa, theo từng chút quay quắt nhói lòng những ngày không thấy bóng dáng Diễm, Trịnh Công Sơn cứ thế đón nhận mối tình đầu như cái cách mưa Huế thấm sâu vào tim người, thấm vào trang giấy nắn nót hai chữ “Diễm xưa”.


Mối tình đầu của Trịnh Công Sơn theo những hạt mưa rơi trên sông Hương trôi về miền xa, để lại một bản tình ca của những nuối tiếc day dứt rồi dần vượt lên trên thời gian, Diễm trong Diễm xưa đã không còn là Ngô Vũ Bích Diễm năm nào, mà “người con gái đi qua những hàng cây long não bây giờ đã ở một nơi xa, đã có một đời sống khác. Tất cả chỉ còn là kỷ niệm. Kỷ niệm nào cũng đáng nhớ nhưng cứ phải quên. Người con gái ấy là “Diễm của những ngày xưa”.


Trái ngược với tính nội tâm và khép kín, đôi chút huyền bí của Bích Diễm, Dao Ánh cũng nội tâm nhưng cô có cách thể hiện cởi mở và rạng rỡ hơn. Thương anh Sơn không được chị gái mình đáp lại tình cảm, Ngô Vũ Dao Ánh viết thư an ủi đong đầy chân thành. Những lá thư giữa hai người đã được tiếp nối và thắp sáng hy vọng cho những tháng ngày đơn độc, chơi vơi của chàng nhạc sĩ trẻ giữa núi rừng và tiết trời khắc nghiệt của đất B’Lao. Nếu Trịnh Công Sơn đã trải qua những rung động sơ khởi đầy bản năng với Bích Diễm, như tình yêu của chàng dành cho Huế, thì tình cảm mà anh dành cho Dao Ánh lại dịu dàng, ấm áp và mong manh như những “hạt nắng thủy tinh”. Lời tỏ tình của chàng dành cho Dao Ánh năm nàng tròn mười tám là minh chứng điển hình cho tâm tư của một chàng trai trẻ khi yêu: “Có một điều không nên nói ra mà vẫn phải nói, và phải nói trong lúc uống thật say để có đủ can đảm nghe lời phủ nhận hay cái gật đầu. Anh yêu Ánh”.

Và lần này tình cảm của anh đã được đáp lại. Nhạc sĩ đã không ngần ngại mà gửi gắm cả một khoảng trời yêu trong trẻo, đong đầy vào những bức thư dành cho Dao Ánh. Nàng đã đem đến cho chàng nhạc sĩ tất cả các cung bậc cảm xúc thành thật nhất từ nhớ nhung dỗi hờn khi “đã mười ngày chưa thấy thư của Ánh”, để rồi yêu đến quên cả giận mà luôn mang theo bóng hình nàng trên mọi nẻo đường chàng đi qua và tiếp tục ngóng trông những lá thư được ép cùng lá long não khô Dao Ánh gửi lên. Cô bé đã là ốc đảo đầy hoa hướng dương bừng nở cho chàng nhạc sĩ trẻ tìm sự bình yên giữa những ngày thời cuộc mờ mịt đầy biến động.


Hai chị em Bích Diễm và Dao Ánh, một người đã trở thành tượng đài của một mối tình đã qua, một ký ức xa vắng mà có lẽ vì vậy mà nó trở thành ký ức đẹp nhất, như người thiếu nữ khuất sau những giọt mưa bay năm nào, một người trở thành mối tình trong trẻo và nỗi day dứt kéo dài cả một đời người. Dẫu vậy, may mắn thay khi biết lòng Ánh vẫn có anh sau đằng đẵng từng ấy năm khắc khoải, nắng vẫn trải dài trên những luống hoa, đóa hướng dương vẫn hướng về phía mặt trời.

Ê kíp Em và Trịnh đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực khi “trình làng" hai nàng thơ Bích Diễm và Dao Ánh do Lan Thy và Hoàng Hà thủ vai ở những hình ảnh đầu tiên của phim.


Và điều đặc biệt hơn, bộ ảnh gia đình của hai nàng vừa mới được ê kíp hé lộ cũng được cộng đồng mạng truyền tai nhau trầm trồ vì sự xuất hiện của hai nghệ sĩ gạo gội: NSND Trọng Trinh và NSƯT Chiều Xuân. Trong phim, NSND Trọng Trinh vao vai ông giáo Ngô Đốc Khánh nổi tiếng nghiêm khắc, kiểm soát hai cô con gái rất gắt gao. Còn mẹ của hai chị em do NSƯT Chiều Xuân thủ vai thì sở hữu nét đẹp và tính cách nền nã dịu dàng của người phụ nữ Hà Nội. Trong phim là thế, nhưng trên trường quay họ là những người “bố mẹ" vô cùng dịu dàng của dàn diễn viên trẻ.

Diễn viên Hoàng Hà vai Dao Ánh đã chia sẻ: “Hai cô chú thực sự rất êm ái và điều đó như một nguồn động viên đối với những bạn diễn viên trẻ như chúng mình. Tới một ngày khi đứng trên hiện trường quay, mình không còn thấy đây là "cô Chiều Xuân" hay "chú Trọng Trinh" nữa. Mình chỉ còn thấy ấm áp và "ngoan ngoãn" như đó thật sự là gia đình của mình vậy”.

Việt Hùng

Đăng nhận xét

0 Nhận xét