Nikola - Robot 'nhí' có thể bắt chước 6 biểu cảm giống hệt người thật

PLTT - Robot giống người thật đang ngày càng trở nên phổ biến trong thế giới thực. Mới đây, Nhật Bản đã chế tạo robot trẻ em có thể biểu đạt 6 cảm xúc cơ bản giống hệt người thật.


Robot Nikola do các nhà nghiên cứu thuộc Dự án RIKEN Robot Guardian ở Nhật Bản phát triển. Nikola có các cơ chuyển động trên khuôn mặt để biểu đạt cảm xúc như vui, buồn, sợ hãi, tức giận, ngạc nhiên và ghê tởm. Mặc dù robot vẫn thiếu phần thân, nhưng các nhà phát triển hy vọng rằng nó có thể sẽ được ứng dụng cho nhiều mục đích trong tương lai gần.

Ông Wataru Sato, người đứng đầu nhóm nghiên cứu, cho biết: "Robot có thể giao tiếp với chúng ta bằng cảm xúc. Điều đó sẽ hữu ích trong nhiều tình huống thực tế, chẳng hạn chăm sóc người già và có thể khiến con người hạnh phúc hơn".

Khuôn mặt của Nikola có 29 bộ truyền động khí nén giúp điều khiển chuyển động các cơ nhân tạo. Thêm vào đó là 6 bộ truyền động được sử dụng để điều khiển chuyển động của đầu và mắt. Các thiết bị truyền động này đều được điều khiển bởi áp suất không khí. Nhóm nghiên cứu cho biết công nghệ này giúp các chuyển động diễn ra nhẹ nhàng và trơn tru hơn.

Các nhà khoa học đã sử dụng hệ thống mã hoá, được gọi là Hệ thống mã hóa chuyển động trên khuôn mặt (FACS). Nhờ đó, các nghiên cứu trước đây đã có thể xác định các chuyển động tinh tế trên gương mặt robot, như nâng cơ má và mím môi.

Để xem mọi người có nhận ra đúng biểu cảm trên khuôn mặt của robot hay không, các nhà nghiên cứu đã tiến hành cho một nhóm người xem Nikola biểu cảm 6 cảm xúc trên khuôn mặt Nikola. Họ phát hiện ra rằng những người tham gia có thể nhận ra 6 cảm xúc này, mặc dù với độ chính xác khác nhau.

Các nhà nghiên cứu giải thích: "Do da silicone của Nikola kém đàn hồi hơn da người và không thể hình thành nếp nhăn giống thật, nên chúng ta khó xác định những cảm xúc như ghê sợ vì robot không thể nhăn mũi".

Đáng ngạc nhiên, nhóm nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng tốc độ biểu đạt cảm xúc khác nhau cũng ảnh hưởng đến độ chân thực của những biểu cảm này. Theo nhóm nghiên cứu, ví dụ, tốc độ biểu đạt nỗi buồn chậm hơn so với tốc độ biểu đạt sự ngạc nhiên.

Trong thời gian tới, các nhà nghiên cứu tin rằng Nikola có thể được ứng dụng trong hàng loạt các mục đích về cả tâm lý xã hội và khoa học thần kinh. Ông Sato nói: "So với con người, robot android kiểm soát tốt các hành vi và có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều tra thực nghiệm nghiêm ngặt về các tương tác xã hội của con người".

Trong khi đó, trong tương lai, Nikola có thể thực hiện một loạt các ứng dụng trong thế giới thực - ít nhất là khi đứa trẻ robot này có một cơ thể hoàn chỉnh. Các nhà nghiên cứu cho biết thêm: "Mặc dù Nikola vẫn còn thiếu cơ thể, mục tiêu cuối cùng của dự án này là chế tạo một loại robot android có thể hỗ trợ con người, đặc biệt là những người có nhu cầu thể chất sống đơn độc".

Hiện vẫn chưa rõ các nhà khoa học đã tốn bao nhiêu chi phí để phát triển Nikola hay phiên bản của đứa trẻ robot này sẽ có giá bao nhiêu trong tương lai.

Thu Thủy

Đăng nhận xét

0 Nhận xét