Chặn đường tẩu tán tài sản của “quan tham” bằng cách nào?

PLTT - Chỉ thị mới của Ban Bí thư cho rằng, người đứng đầu tổ chức Đảng phải chịu trách nhiệm việc thu hồi tài sản tham nhũng.


Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng vừa ký ban hành chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

Theo chỉ thị, thời gian qua, quá trình thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế được quan tâm chỉ đạo, xử lý kịp thời, hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, cơ chế, chính sách, pháp luật trong công tác này còn bất cập. Năng lực, phẩm chất của một bộ phận cán bộ làm công tác thi hành án dân sự chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Hợp tác quốc tế trong thu hồi tài sản tham nhũng bị tẩu tán ra nước ngoài còn khó khăn, vướng mắc; tỉ lệ thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt còn thấp...

Để nâng cao hiệu quả, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, Ban Bí thư yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu các cấp đối với công tác này, trong đó xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt trong quá trình thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng.

Ban Bí thư yêu cầu rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, nhất là các quy định về trình tự, thủ tục thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt

Nghiên cứu rà soát, sửa đổi, bổ sung pháp luật về thanh tra, kiểm toán, tố tụng hình sự, thi hành án dân sự và các quy định pháp luật liên quan theo hướng bổ sung cho thanh tra viên, kiểm toán viên thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn việc tẩu tán tài sản khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm tham nhũng, kinh tế; xác định rõ trách nhiệm của từng chủ thể trong việc truy nguyên, truy tìm, kê biên tài sản, phong toả tài khoản ngay từ giai đoạn thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử.

Ông Đinh Văn Minh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra (Thanh tra Chính phủ) cho rằng, cần phải sửa đổi các quy định liên quan việc minh bạch, kiểm soát, thu hồi tài sản, tránh tình trạng khi có bản án thì đối tượng tham nhũng đã tẩu tán xong tài sản để kịp trở thành người tay trắng…

Ông Minh cho rằng, điểm yếu trong thu hồi tài sản tham nhũng là do quan niệm của mình chưa phù hợp, còn quá hẹp. Ở các nước người ta quy định tài sản tham nhũng là tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng, còn mình thì lại định nghĩa tài sản tham nhũng là tài sản của người có hành vi tham nhũng.

Minh Ngọc

Đăng nhận xét

0 Nhận xét