UKVFTA được phê duyệt, hàng Việt xuất đi đâu sẽ có hưởng thuế 0% ?

PLTT - Hiệp định UKVFTA ký kết vào vào cuối năm 2020, có hiệu lực từ ngày 1/5/2021. Thủ tướng đã phê duyệt kế hoạch thực hiện hiệp định này, với nhiều lợi thế cho hàng Việt Nam xuất khẩu vào Anh và Bắc Ai-len.


UKVFTA là tên gọi tắt của Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len. UKVFTA có nội dung cốt lõi là mở cửa thị trường để duy trì các điều kiện thương mại ưu đãi và lợi ích kinh tế. Đây cũng là những điều đã có trong Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).

Được biết, các điều khoản UKVFTA sẽ gồm các nội dung và điều khoản liên quan đến lĩnh vực: Thương mại hàng hóa; quy tắc xuất xứ, hải quan, thuận lợi hóa thương mại; vệ sinh an toàn thực phẩm; thương mại dịch vụ; giải quyết rào cản thương mại; thương mại dịch vụ; sở hữu trí tuệ...

Bộ Công Thương cho biết, với UKVFTA, ngành xuất khẩu các mặt hàng thủy hải sản, gạo, dệt may, gỗ, rau quả, da giày… nhận được lợi ích nhiều nhất từ hiệp định.

Cụ thể, phần lớn thuế nhập khẩu từ các sản phẩm tôm nguyên liệu (tươi, đông lạnh, ướp lạnh) vào Anh được giảm từ mức 10 - 20% xuống 0% từ lúc hiệp định có hiệu lực. Ngoài ra, cá tra cũng nhận được lợi thế sớm nhất trong nhóm hàng thủy, hải sản.

Trong kế hoạch triển khai UKVFTA vừa ban hành, để đạt mục tiêu khai thác tối đa hiệu quả hiệp định, Thủ tướng nhấn mạnh vào việc tuyên truyền về UKVFTA. Giao nhiệm vụ tập trung phổ biến thông tin liên quan về hiệp định và thị trường vương quốc Anh cho các Bộ, ngành, địa phương. Đối tượng được nhắm đến chính là nông dân, ngư dân, cơ quan quản lý cấp trung ương và địa phương, hiệp hội ngành nghề, hợp tác xã, cộng đồng doanh nghiệp, công nhân, các thành phần lao động khác.

Biện pháp cụ thể chính là thực hiện các lớp tập huấn, khóa đào tạo trực tuyến, hội thảo để nâng cao nhận thức, hiểu biết của các tầng lớp trong xã hội. Phổ cập nội dung cam kết và các công việc cần triển khai để khai thác hiệu quả UKVFTA.

Đồng thời cần tiến hành xây dựng pháp luật, thể chế, tập trung phát triển nhân lực để nâng cao năng lực cạnh tranh, chính sách an ninh xã hội, nâng cao bảo vệ môi trường và chú trọng vào phát triển bền vững. Ngoài ra, các cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện tiếp thiết chế cần thiết để thực thi hiệp định. Nâng cao khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, nông dân bằng các chương trình hỗ trợ.

Ngoài ra cần có biện pháp ứng phó và hỗ trợ đối với những ngành hàng, mặt hàng chịu tác động lớn, trực tiếp từ việc thực thi hiệp định. Tăng cường trợ giúp doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình tham gia vào mạng lưới sản xuất, chuỗi cung ứng của Anh để tận dụng lợi ích từ hiệp định.

Cần thiết lập đầu mối thông tin về UKVFTA tại Bộ Công Thương để cung cấp thông tin, hướng dẫn và làm rõ các nội dung cam kết và các vấn đề có liên quan đến hiệp định. Đồng thời tăng cường mạng lưới nội địa giúp cung cấp thông tin về thị trường Anh và Việt Nam. Nhờ đó, giúp các doanh nghiệp kịp thời nắm vững những thông tin, yêu cầu về kỹ thuật, quy định về quản lý xuất nhập khẩu hàng từ phía Anh.

Các Bộ - ngành liên quan phải đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại - đầu tư tại Vương quốc Anh. Thúc đẩy sự công nhận lẫn nhau về kết quả đạt được khi hợp tác với Vương quốc Anh, đặc biệt đối với sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam.

Nhóm PV

Đăng nhận xét

0 Nhận xét