Vietravel lại lỗ đậm: Du lịch vẫn đang loay hoay tìm đòn bẩy để phục hồi

PLTT - Với những diễn biến khôn lường từ dịch bệnh, đặc biệt là đợt lây nhiễm mới đây nhất, hy vọng phục hồi cho ngành du lịch vẫn còn gặp nhiều khó khăn.


Mới đây, theo thông tin công bố, Công ty cổ phần Du lịch và tiếp thị giao thông Việt Nam (Vietravel) ghi nhận lợi nhuận sau thuế là âm 72,8 tỷ đồng cho quý I/2021. Doanh nghiệp này tiếp tục lỗ nặng sau lỗ gần 80 tỷ đồng nửa đầu năm ngoái và lỗ hơn 16 tỷ đồng quý cuối cùng năm 2020.

Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm 2021, doanh thu hợp nhất quý I của Vietravel là hơn 277 tỷ đồng, giảm gần 65% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh thu bán vé máy bay giảm hơn một nửa, xuống còn 70,6 tỷ đồng. Doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành giảm mạnh nhất với hơn 535 tỷ, chỉ còn gần 72 tỷ đồng.

Trong khi đó, chi phí tài chính (chủ yếu lãi vay) tăng cao, chi phí quản lý cũng không giảm bớt, sau khi tổng kết, đại gia lữ hành này lỗ sau thuế hơn 72,8 tỷ đồng chỉ trong quý I.


Có thể thấy, hoạt động kinh doanh của Vietravel cũng như bao công ty lữ hành khác đều lao đao trong thua lỗ khi dịch bệnh COVID-19 vẫn đang ảnh hưởng không ngừng, hết đợt dịch này đến đợt dịch khác không ngừng xuất hiện khiến tâm lý mọi người hoang mang, lo sợ.

Trong năm 2021, kế hoạch phục hồi du lịch Việt Nam, tìm kiếm một đòn bẩy để giảm thiểu tối đa ảnh hưởng từ dịch bệnh sẽ được tính toán trên nhiều phương diện. Theo định hướng chung cho giai đoạn phục hồi 2021 - 2023, Việt Nam sẽ lấy du lịch nội địa làm trọng tâm khai thác.

Trong tọa đàm “Du lịch Việt Nam 2021 - 2023 diễn ra đầu tháng 4 năm 2021, yêu cầu làm mới du lịch, cải thiện chất lượng dịch vụ và đưa ra xu hướng tận hưởng cuộc sống và tái tạo cuộc sống để kích thích các gia đình lên kế hoạch du lịch nhiều hơn.

Trong tọa đàm, mọi người đều nhất trí rằng du lịch nội địa cần thu hút du khách bằng cách tăng giá trị du lịch trải nghiệm, thay vì chỉ giảm giá, bên cạnh việc xây dựng hình ảnh điểm đến an toàn cho du khách thì mới tạo ra “sức bật từ thị trường nội địa”.

Tuy nhiên, dịp nghỉ lễ lớn 30/4 - 1/5 lại rơi đúng thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát ở một số địa phương. Rất nhiều khách đã book vé du lịch đều rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan, phân vân nghĩ đến chuyện hủy tour dù có phải mất tiền.

Chị Ngô Thị Thanh Thủy (Lào Cai) chia sẻ về quyết định hủy chuyến du lịch tới Đà Nẵng với nguyên nhân rằng: “Đáng lẽ mai bay nhưng chúng tôi sẽ không đi nữa, tiền có thể kiếm lại được chứ dịch thì không lường được.”

Có thể thấy, diễn biến phức tạp của dịch bệnh khiến ngành du lịch không kịp trở tay, nhất là vào thời gian “cao điểm”, khi mà các công ty trong ngành đang chuẩn bị “bứt tốc” lại càng khiến hy vọng phục hồi ngày càng gặp nhiều khó khăn.

Khải Hoàng

Đăng nhận xét

0 Nhận xét