Chuỗi cà phê Thái Lan Amazon muốn bành trướng thị trường Việt bằng mô hình nhượng quyền

PLTT - Gọi Việt Nam là điểm sáng đầu tư trong đại dịch toàn cầu, chuỗi cà phê lớn nhất Thái Lan Amazon vừa tuyên bố sẽ phủ rộng khắp thị trường Việt bằng mô hình nhượng quyền thương hiệu.


Theo đại diện của Amazon, chuỗi cà phê lớn nhất Thái Lan cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều tiềm năng để mở rộng kinh doanh, với chiều hướng phát triển kinh tế cao và mức độ mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, thương hiệu còn nhận thấy xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ trong hoạt động sản xuất, tiêu thụ và mở rộng kinh doanh quán cà phê.

Mặc dù không tiết lộ con số cửa hàng cụ thể, tuy nhiên chuỗi cà phê Thái Lan cho biết đang thử nghiệm các mô hình nhượng quyền phù hợp với nhà đầu tư Việt Nam. Đến nay, chuỗi đã có 2 cửa hàng tại TP.HCM và 3 cửa hàng đặt trong hệ thống siêu thị Go! của Central Group tại Mỹ Tho, Bến Tre và Trà Vinh.

Sở dĩ chọn các siêu thị Go! là nơi khai phá thị trường đầu tiên vì Café Amazon đến Việt Nam theo hình thức nhượng quyền độc quyền (Master Franchise), do ORCG mang về. Đây có thể là công ty chưa được nhiều người biết đến nhưng tập đoàn đứng sau lại là tên tuổi quen thuộc với ngành bán lẻ Việt Nam - Central Group.Tập đoàn này sở hữu chuỗi Go!. Hiện Central Group sở hữu 40% cổ phần của Café Amazon Việt Nam. Trong khi đó, 60% còn lại thuộc PTT Oil and Retail Business (PTTOR) của Thái Lan.

Cà phê Amazon vào Việt Nam nhờ đó thừa hưởng một số lợi thế nhất định về mặt bằng, là các trung tâm thương mại có lưu lượng khách hàng nhộn nhịp của Central và kinh nghiệm cũng như sự am hiểu thị trường bán lẻ tại đây của họ.

Điểm qua về ngành, đặc biệt từ năm 2013, thị trường cà phê Việt Nam thực sự nóng lên khi Starbucks bắt đầu gia tăng sự hiện diện của mình và tiếp đến là chuỗi cà phê đến từ Hàn Quốc Coffee Bene, thương hiệu đến từ Mỹ PJ’s Coffee.

Tính đến hiện tại, hệ thống Highlands đang sở hữu số lượng quán nhiều nhất với gần 150 cửa hàng tại nhiều tỉnh thành. Starbucks có khoảng 30 cửa hàng, Trung Nguyên hơn 60 cửa hàng, The Coffee House 80 cửa hàng….

Mỗi thương hiệu với một mùi vị, phong cách cùng chiến lược kinh doanh riêng vẫn tìm được chỗ đứng, thậm chí tăng trưởng tốt tại thị trường đa dạng và đầy tiềm năng này. Ghi nhận, hiện chưa có chuỗi nào bày tỏ ý định dừng ở con số nhất định mà tiếp tục có kế hoạch đầu tư để mở rộng và phát triển.


Trước Cà phê Amazon, một thương hiệu đình đám của 3 ông bầu cũng lấn sân chuỗi cà phê: Tuyên bố chỉ bán cà phê thật và sạch (giống như bóng đá phải sạch), mục tiêu đạt 10.000 điểm bán sau 2 năm. Hay Vinamilk cũng tuyên bố trở lại với đúc kết kinh nghiệm từ 2 bài học cũ bằng chuỗi Hi-Cafe.

Không chỉ liên tục mở rộng quy mô, tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trong ngành cũng liên tục tăng trưởng. Số liệu thống kê cho thấy doanh thu của hầu hết các chuỗi tăng đều giai đoạn. Tính đến cuối năm 2019, với độ phủ dày đặc, Higlands đạt mức doanh thu 2.199 tỷ đồng, tăng trưởng 35% và bỏ xa các đối thủ còn lại. Biên lợi nhuận gộp vào mức 69%, LNST đạt 84 tỷ đồng.

Lãi hàng chục tỷ còn có Starbucks với 52 tỷ LSNT trong năm 2019, doanh thu vào mức 783 tỷ đồng. Cùng thu về mức doanh thu khoảng 800 tỷ là chuỗi Phúc Long và The Coffee Houses, tuy nhiên tính đến cuối năm 2019 chuỗi The Coffee House ghi nhận thua lỗ ròng 81 tỷ đồng, Phúc Long có lãi 20 tỷ.

Hãng nghiên cứu Euromonitor ước tính thị trường chuỗi cà phê và trà tại Việt Nam hiện đạt quy mô khoảng 1 tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, 4 trên 5 chuỗi có doanh thu lớn nhất đều là các tên tuổi nội địa, cụ thể là Highlands, Phúc Long, The Coffee House và Trung Nguyên. Starbucks là doanh nghiệp ngoại duy nhất nhưng chiếm chưa đầy 3% thị phần.

Nguyên nhân thất bại của các thương hiệu cà phê quốc tế tại Việt Nam, theo CNBC, bắt nguồn từ thực đơn với những thức uống không phải truyền thống, quen thuộc với người dân. Đồng thời, mức giá tại các cửa hàng cà phê ngoại cũng cao gấp 2-3 lần chuỗi Việt.

Nói riêng về thực tế này, đại diện Cà phê Amazon cho biết đang sử dụng hạt cà phê trồng tại Đà Lạt (Lâm Đồng) cho các món cà phê đen, cà phê sữa, bạc xỉu bên cạnh các dòng sản phẩm đặc trưng của thương hiệu. Nhiều món trà phổ biến với người tiêu dùng Việt Nam như trà đào, trà sữa trân châu đường đen... cũng được bổ sung vào thực đơn.

Ra mắt từ năm 2001, thương hiệu Cà phê Amazon phục vụ 2,4 triệu khách mỗi năm với khoảng 3.500 chi nhánh trên khắp Châu Á. Ngoài thị trường chính là Thái Lan, Myanmar và Philippines, Café Amazon cũng đã vận hành nhiều cửa hàng ở Campuchia, Lào, Nhật Bản, Oman, Trung Quốc và Singapore.

PTTOR là thành viên của công ty dầu khí lớn nhất Thái Lan PTT. Đầu tháng 1, doanh nghiệp này công bố kế hoạch đầu tư 74,6 tỷ baht (tương đương khoảng 2,5 tỷ USD) để phát triển hoạt động kinh doanh trạm xăng và mở rộng chuỗi cà phê lên 5.800 cửa hàng đến năm 2025.

Hiện nay, chỉ riêng tại Thái Lan, chuỗi Cà phê Amazon có hơn 2.600 cửa hàng độc lập và nằm trong các trạm xăng. Allegra World Coffee Portal - nền tảng thông tin chuyên ngành về ngành cà phê của Anh, cho rằng đây là chuỗi cửa hàng cà phê lớn nhất tại Thái Lan.

Minh Khang

Đăng nhận xét

0 Nhận xét