PLTT - Bất chấp những ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19, hoạt động mở dự án mới, M&A của loại hình bất động sản công nghiệp vẫn diễn ra tại nhiều địa phương trên cả nước.
Theo những thông tin mới nhất từ báo cáo thị trường của Savills Việt Nam, bất chấp dịch Covid-19 đang bùng phát tại nhiều tỉnh, thành thì bất động sản công nghiệp vẫn "sống khỏe".
Cụ thể, tính đến hết tháng 5/2021, bất động sản công nghiệp đã tăng trưởng 9,9% so với thời điểm năm 2020.
Hàng loạt dự án mới sắp đi vào hoạt động chứng tỏ dịch bệnh không làm ảnh hưởng nhiều tới phân khúc này. Có thể nhắc tới một số cái tên tiêu biểu như: Dự án Logos Property rộng hơn 80.000 m2 thuộc Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh 1, theo kế hoạch sẽ đi vào hoạt động vào quý 4/2021.
Hay thương vụ mua lại quỹ đất rộng 250 ha với tổng vốn đầu tư 300 triệu USD của Công ty cổ phần Công nghiệp KCN Việt Nam. Dù là doanh nghiệp mới bước chân vào thị trường chưa được lâu, nhưng CTCP KCN Việt Nam đã đặt mục tiêu mở rộng địa bàn hoạt động tại Bắc Giang, Hải Phòng, Hải Dương, Đồng Nai và Long An với các loạt nhà máy và kho vận đạt tiêu chuẩn cao.
Đáng chú ý, trong năm 2021 bên cạnh các doanh nghiệp trong nước thì nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng đã để ý tới thị trường Việt Nam. Trong tháng 5 đã ghi nhận các dự án sản xuất công nghiệp lớn nhất đến từ các nhóm doanh nghiệp Hồng Kông và Singapore vào Quảng Ninh và Bắc Giang - những tỉnh sở hữu số lượng dự án nhiều nhất cả nước.
Trong các dự án công nghiệp thì thu hút vốn FDI đến từ công nghiệp chế biến là nổi trội hơn cả. Công nghiệp chế biến chế tạo thu hút 43% tổng số vốn, đạt 6,1 USD (so với 13,9 tỷ USD). 215 dự án mới hình thành với tổng vốn đăng ký đạt 2,57 tỷ USD và 222 dự án hiện có đăng ký tăng thêm 3,1 tỷ USD vốn.
Ông Sử Ngọc Cương, Giám đốc Cấp cao Savills Việt Nam đã nhận xét, chủ trương và chỉ đạo của Nhà nước trong việc hỗ trợ và mở rộng các khu bất động sản công nghiệp và để các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường là một yếu tố tích cực. Đây có thể coi là đón xu hướng trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang khiến nhiều doanh nghiệp quốc tế chuyển đổi nơi sản xuất, cung ứng.
Bên cạnh các dự án mới hay vốn FDI rót mạnh vào thị trường thì BĐS công nghiệp cũng được hưởng lợi từ các hoạt động mua bán và sáp nhật (M&A). Nhiều chuyên gia khẳng định rằng, các hoạt động M&A sẽ giúp thị trường tăng trưởng tích cực và có thêm nhiều nguồn cung trong thời gian sắp tới.
Một số thương vụ đình đám trong thời gian vừa qua có thể kể tới như: Boustead Projects đã gom 49% cổ phần trong Công ty Cổ phần Phát triển Công nghiệp KTG Bắc Ninh tại khu công nghiệp Yên Phong, với giá trị khoảng 6,9 triệu USD.
Hay một liên doanh được hình thành giữa ESR Cayman Limited - nền tảng bất động sản hậu cần lớn nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương và Công ty cổ phần Phát triển Công nghiệp BW (BW), nhà phát triển bất động sản công nghiệp và hậu cần hàng đầu Việt Nam. Hai doanh nghiệp nhắm đến mục tiêu sở hữu và cùng phát triển 240.000 m2 tại Khu công nghiệp Mỹ Phước 4 gần TP.HCM thông qua việc hợp tác này...
Mỹ Cảnh
0 Nhận xét