Xét xử cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Dàn cựu sếp Sabeco khai chịu sức ép từ Bộ Công thương

PLTT - Dàn cựu sếp Sabeco khai bị áp lực lớn từ việc phải có trụ sở làm việc do Bộ Công thương chỉ đạo xuống nên đã "nóng vội" chọn đầu tư thực hiện dự án lô đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng, quận 1, TP HCM.


Chiều 22/4, TAND Hà Nội tiếp tục phần xét hỏi một số cựu lãnh đạo Sabeco về việc chọn nhà đầu tư thực hiện dự án và làm rõ việc thoái vốn ở Sabeco để chuyển nhượng lô đất 6.080 m2 tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng, quận 1, TP HCM trái quy định.

Ông Phan Đăng Tuất, nguyên Chủ tịch HĐQT, phụ trách phân ban quản lý vốn nhà nước ở Sabeco được triệu tập tới tòa với tư cách người có quyền lợi liên quan. Ông cho hay, Sabeco "cũng được gọi là giàu có" nhưng không có trụ sở riêng. Mỗi năm đi thuê mất chi phí hơn 20 tỷ đồng - tiền ngân sách.

Ông Tuất khai quá trình làm việc ông luôn đau đáu việc Sabeco phải có trụ sở riêng. Tự nhận đã quá năng nổ, nhiệt tình, ông cho rằng lẽ ra phải chờ một thời gian nhưng một phần vì Bộ Công Thương thúc ép phần nữa do tiền nộp phạt do chậm triển khai dự án mỗi tháng gần 20 tỷ đồng nên "rất nóng vội" chọn nhà đầu tư triển khai dự án tại lô đất.

"Chúng tôi tin tưởng Bộ Công Thương vì Bộ có cả vụ pháp chế và các cơ quan liên quan nên chỉ đạo thế nào thì chúng tôi làm như vậy", ông Tuất nói.

Theo cáo buộc, ông Tuất đã ký một số văn bản báo cáo việc lựa chọn nhà đầu tư theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công Thương để liên kết thành lập công ty cổ phần thực hiện dự án tại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng.

Khi Sabeco chậm triển khai, Bộ Công thương còn có công văn yêu cầu yêu cầu giải thể Sabeco Land và sớm tìm nhà đầu tư mới.

Được biết, việc liên doanh với đơn vị nào cũng do lãnh đạo Bộ Công Thương quyết định. Sau khi Bộ phê duyệt chủ đầu tư mới, ông Tuất ký văn bản đề nghị UBND TP HCM chấp thuận cho Sabeco Pearl được làm chủ đầu tư dự án. Các sở, ngành sau đó tham mưu cho lãnh đạo thành phố cho thuê đất trái quy định pháp luật.

Tiếp đến, ông Lê Hồng Xanh, nguyên Phó Tổng giám đốc Sabeco, cho hay thời điểm đó đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương khi vào làm việc đã đánh giá Sabeco Land hoạt động không hiểu quả nên chỉ đạo cần có nhà đầu tư mới.

"Từ đó, chúng tôi càng thôi thúc muốn tìm nhà đầu tư mới để sớm có trụ sở làm việc. Tất cả phải làm theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, kể cả khi họp Hội đồng quản trị, đại hội cổ đông ở Sabeco đều phải xin ý kiến", ông Xanh nói.

Tương tự, bà Phạm Thị Hồng Hạnh, nguyên giám đốc Sabeco, cho biết áp lực lớn nhất cũng là phải có trụ sở làm việc. Bà phân trần Sabeco không có kinh nghiệm, thời gian để tìm hiểu về chính sách đất đai nên bà và các lãnh đạo doanh nghiệp "chỉ làm theo quyết sách của Bộ Công Thương và UBND TP HCM".

Sau mỗi cuộc họp ban quản lý vốn nhà nước, ông Tuất có trách nhiệm báo cáo Bộ còn bà Hạnh và ông Xanh được cơ quan điều tra xác định chỉ có nhiệm vụ điều hành sản xuất kinh doanh của Sabeco; phải chấp hành ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công Thương. Vì vậy, 3 cựu lãnh đạo Sabeco này không bị đề cập xử lý hình sự.

Nhóm PV

Đăng nhận xét

0 Nhận xét