'La Vie sẽ hoàn trả 100% nước sử dụng trong sản xuất'

PLTT - La Vie cam kết hoàn trả 100% lượng nước sử dụng trong sản xuất vào năm 2025, nhằm tác động tích cực đến nguồn nước địa phương, theo CEO Fausto Tazzi.

Ông Fausto Tazzi khẳng định đây là mục tiêu tham vọng nhưng hoàn toàn có thể thực hiện. Vị CEO này cũng chia sẻ thêm về chương trình của La Vie để thực hiện hóa cam kết này và những khuyến nghị nhằm lan tỏa thông điệp bảo vệ tài nguyên nước, nhân Ngày Nước Thế giới 22/3.

Hiện La Vie là một trong những doanh nghiệp có cam kết mạnh mẽ về bảo vệ nguồn nước chung tại Việt Nam và đi đầu với những sáng kiến bền vững. Tính đến nay, nhà máy La Vie tại Long An là đơn vị duy nhất tại Việt Nam được chứng nhận bởi tổ chức Alliance For Water Stewardship (AWS) nhờ đạt tiêu chuẩn quốc tế trong bảo vệ nguồn nước chung, theo thông tin do AWS cung cấp.

Ông Fausto Tazzi - CEO La Vie Việt Nam. Ảnh: Hữu Khoa.

- Tại sao La Vie đặt mục tiêu tái tạo, hoàn trả 100% lượng nước công ty sử dụng trong sản xuất đến năm 2025?

- Đối với một công ty nước khoáng thiên nhiên như La Vie, bảo tồn nước là việc tối quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững. Sở dĩ nói như vậy vì cần phân biệt, nước tinh khiết (nước uống đóng chai) được lấy ở bất cứ nguồn nào như nước giếng, nước sông, nước sinh hoạt... sau đó qua các công đoạn lọc và xử lý để tạo ra nước uống sạch. Trong khi đó nước khoáng phải được chắt lọc qua quá trình nước trong tự nhiên chảy qua các tầng địa chất. Sự thanh khiết của nước khoáng thiên nhiên phải hoàn toàn tự nhiên. Theo kết quả nghiên cứu của tập đoàn đoàn nghiên cứu địa chất Antea (Pháp) và Viện Khoa học và Kỹ thuật Hạt nhân (Việt Nam), nguồn nước khoáng ngầm để sản xuất nước khoáng La Vie đã hơn 20.000 năm tuổi.

Vì thế, La Vie hiểu rõ bảo tồn nước ngay hôm nay là cách tốt nhất để đảm bảo được sự bền vững của các nguồn nước chất lượng cho thế hệ tương lai. Chúng tôi không chỉ đặt ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ hoàn trả lượng nước sạch cho cộng đồng và môi trường tương đương 100% lượng nước công ty sử dụng trong hoạt động sản xuất, mà còn mong muốn tác động tích cực đến các nguồn nước địa phương.

- Công ty đang làm gì để hiện thực hóa mục tiêu kể trên?

- Có rất nhiều việc mà chúng tôi có thể làm để bù hoàn nước sạch cho tự nhiên. Trước hết là việc tối ưu nước ngay trong chính nhà máy. Trong sản xuất, La Vie đã triển khai nhiều sáng kiến sử dụng nước hiệu quả, như tăng cường thu gom, xử lý và tái sử dụng nước, nhờ đó tỷ lệ tiết kiệm nước được cải thiện qua mỗi năm. Lượng nước sử dụng trong sản xuất trên mỗi đơn vị sản phẩm của La Vie vào năm 2020 giảm gần 35% so với 2010.

Đồng thời, La Vie đầu tư mạnh cho hệ thống xử lý nước đạt chuẩn A - chuẩn nước thải cao nhất hiện nay, tức có thể tái sử dụng. Năm nay chúng tôi đầu tư mạnh tay hơn để lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, giúp thu thập dữ liệu chất lượng nước tại hiện trường, theo đó có thể chứng minh được mỗi giọt nước thải sau xử lý của công ty khi trả lại môi trường đều được kiểm soát chặt chẽ và đạt chuẩn A. Nước này cũng có thể được sử dụng cho tưới tiêu trong nông nghiệp.

Hoạt động dọn rác lòng kênh chung Trạm bơm Như Quỳnh (Văn Lâm, Hưng Yên) được La Vie thực hiện hằng ngày trong nhiều năm qua nhằm cải thiện môi trường nước ở địa phương. Ảnh: La Vie.

Ngoài ra, chúng tôi xác định nông nghiệp là lĩnh vực cần nhiều nỗ lực nhất nhằm thúc đẩy bảo tồn tài nguyên nước sạch. Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), 70% lượng nước con người sử dụng là cho mục đích nông nghiệp, 20% cho các ngành công nghiệp sản xuất và chỉ 10% cho sinh hoạt hàng ngày. Lượng nước chúng ta uống hàng ngày chiếm rất rất nhỏ trong tổng lượng nước mà con người đang khai thác từ thiên nhiên.

Vì thế, những gì mà chúng ta hiểu về tiết kiệm hay bảo vệ nguồn nước sinh hoạt ở thành thị chỉ là bề nổi của tảng băng, còn bên dưới cần rất nhiều nỗ lực trong những lĩnh vực sử dụng nhiều nước như nông nghiệp, các ngành sản xuất... để thực sự tạo ra tác động tích cực đối với tài nguyên môi trường.

Hiện với chương trình Nescafé Plan của Nestlé Việt Nam, một thành viên khác của Tập đoàn Nestlé, thông qua kỹ thuật tưới tiêu dễ thực hành, người nông dân trồng cà phê có thể tiết kiệm hơn 40% lượng nước mà vẫn đạt năng suất cây trồng như mong muốn.

La Vie cũng đang tìm kiếm những sáng kiến và cơ hội để hỗ trợ người nông dân tại Đồng bằng sông Cửu Long tối ưu nguồn nước sử dụng mà vẫn đảm bảo năng suất và chất lượng cây trồng, đồng thời hạn chế lượng phân bón và chất hóa học để tránh gây ô nhiễm nguồn nước.

Bên cạnh đó, chúng tôi đang thực hiện chương trình đem nước sạch đến cộng đồng. Lượng nước đem lại không nhiều như các dự án nói trên, nhưng chất lượng nước là điểm quan trọng nhất của các dự án này. La Vie khởi động dự án Nước sạch học đường từ năm ngoái, dự kiến đến quý III năm nay sẽ hỗ trợ khoảng 10.000 học sinh tại 28 trường học ở Tân Hưng - một huyện biên giới thường xuyên chịu ảnh hưởng từ hạn hán tại Long An, có cơ hội tiếp cận nguồn nước sạch từ các hệ thống lọc nước sạch, miễn phí.

La Vie lắp đặt và duy trì các trạm nước uống miễn phí cho cộng đồng từ năm 2015 cho đến nay. Ảnh: La Vie.

Trước đó, từ năm 2015, La Vie lập các trạm nước uống miễn phí cho người dân và trường học xunh quanh nhà máy, với tổng lượng nước uống hỗ trợ gần 37.000 lít một năm. Đồng thời, phối hợp chính quyền địa phương hỗ trợ người dân kết nối hệ thống nước đạt chuẩn của công ty cấp nước để có nước sạch cho sinh hoạt.

Trong thời gian qua, cả nước chịu ảnh hưởng bởi Covid-19 và miền Trung bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ thiên tai. Chúng tôi đã hỗ trợ tuyến đầu chống dịch và người dân tại những vùng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bão lũ, hạn hán những sản phẩm nước khoáng thiên nhiên giúp đảm bảo nhu cầu nước sạch cho cộng đồng.

La Vie tặng 100.000 lít nước khoáng thiên nhiên hỗ trợ Đà Nẵng chống dịch. Ảnh: La Vie.

- Doanh nghiệp gặp những thách thức nào trong quá trình triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, bảo tồn nguồn nước?

- Sẽ mất thời gian cũng như công sức để đảm bảo kết quả mà chúng ta đạt được sau một chiến dịch, một hoạt động, sẽ được duy trì trong lâu dài. Từ góc độ doanh nghiệp, tôi hiểu rằng rất khó để các doanh nghiệp nói chung cân đối bài toán giữa việc đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất để gia tăng lợi nhuận, hay là đầu tư cho việc tối ưu tài nguyên. Nhưng về lâu dài cần phải cân nhắc rất kỹ về lợi ích này để phát triển bền vững.

Còn ở góc độ cộng đồng, điều này đòi hỏi nhận thức rất lớn ở mỗi cá nhân, đặc biệt là trong giáo dục thế hệ tương lai. Mỗi người chúng ta đều đang sử dụng nước và đang tác động đến nguồn nước chung bằng cách này hay cách khác, hiểu được điều đó là một bước đầu, dù chỉ là một bước đi nhỏ, để bắt đầu việc bảo tồn tài nguyên nước sạch quý giá.

- Làm thế nào để việc nâng cao nhận thức nói chung có tác động thực tiễn trong dài hạn chứ không chỉ dừng lại ở hoạt động phong trào, thưa ông?

- Để tạo ra tác động lâu dài cần kế hoạch dài hạn và tầm nhìn hàng chục, hàng trăm năm. Điều này có thể khó với doanh nghiệp bởi cần phải cân bằng kế hoạch kinh tế. Trong nông nghiệp cũng thế, việc sử dụng thuốc hóa học có thể chưa thể hiện tác hại với nước và đất trong ngắn hạn nhưng về lâu dài đất gây xói mòn, khô cằn và thành "đất chết", trong khi nguồn nước ngày càng ô nhiễm.

La Vie và Nestlé Việt Nam đã ở đây 25 năm rồi và chúng tôi có ý định sẽ tiếp tục hoạt động tại đây 25 năm tới và 25 năm tới nữa. Do đó chúng tôi có tầm nhìn và kế hoạch dài hạn trong việc bảo tồn nguồn nước. Nhưng từng hành động thì phải cụ thể, sát với thực tế, từng chút, từng việc một, qua đó có thể hy vọng thay đổi được nhận thức của cộng đồng. Chúng ta cần thời gian, cần giáo dục, cần lan truyền thông điệp rộng rãi, không chỉ trong một năm, mà có lẽ phải mất cả một thế hệ.

Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng nỗ lực bảo vệ nguồn nước không thể chỉ là nỗ lực của riêng La Vie mà còn cần rất nhiều sự hợp tác của các bên liên quan, bao gồm Chính phủ, người dân địa phương, nông dân, các tổ chức, và kể cả những doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực.

Covid-19 đã tái khẳng định cho toàn nhân loại thấy tất cả chúng ta đang liên kết, kết nối với nhau như thế nào. Mỗi một hành động mang tính độc lập của một cá nhân, một tổ chức đều có tác động đến nhau. Hôm nay chúng ta thấy một ca nhiễm tại quốc gia này, ngày mai có thể đã xuất hiện tại quốc gia khác. Rác thải nhựa trôi trên vùng biển Việt Nam có thể đến từ một vùng đất khác, hoặc ngược lại. Tất cả chúng ta đều liên kết trên Trái Đất này.

Do đó, không chỉ tiết kiệm nước, chúng ta cần giảm thiểu tác động của mình, hãy cố gắng đừng làm ô nhiễm nguồn nước bằng chính những hoạt động sinh hoạt hay tham gia sản xuất của chúng ta hàng ngày. Đặc biệt trong nông nghiệp, việc giảm thiểu sử dụng chất hóa học cực kỳ quan trọng, đây là điều tôi muốn nhấn mạnh, vì sức khỏe của mỗi người, vì chất lượng nguồn nước, vì tương lai của chúng ta.

Nam Anh

Đăng nhận xét

0 Nhận xét